Wave VNI, HNX

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Kênh tích lũy – Nơi xu hướng tăng trưởng bắt đầu

Để giá cổ phiếu tăng chắc chắn là cần có một nguyên nhân nào đó. Nguyên nhân trong bài viết hướng tới là quá trình tích lũy của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn.

Để giá cổ phiếu tăng chắc chắn là cần có một nguyên nhân nào đó. Đứng dưới góc độ phân tích cơ bản thì các chuyên gia phân tích sẽ nhận thấy một số nguyên nhân như là giá thị trường (market value) đang ở dưới giá trị nội tại (intrinsic value), công ty có lợi nhuận đột biến…. Đứng dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì nguyên nhân thường được nhắc đến đó là cổ phiếu đã trải qua giai đoạn tích lũy và có tín hiệu sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng.
Để giải thích cho các pha thị trường (market phase) trong chu kỳ vận động giá chứng khoán, phương pháp VSA (Volume Spread Analysis) đưa ra ba định luật:
Định luật quan hệ cung cầu (The Law of Supply and Demand)
Đối với một cổ phiếu nào đó thì có người mua sẽ có người bán. Đúng là cổ phiếu được chuyển nhượng từ người này qua người khác nhưng sau khi chuyển nhượng người đó muốn mua lại thì mức giá đã không còn như lúc trước nữa.
Giá cao hơn thể hiện lực cầu cao hơn và giá thấp hơn thể hiện lực cầu thấp hơn so với nguồn cung. Như vậy, khi cầu lớn hơn cung thì giá tăng và cầu nhỏ hơn cung thì giá giảm.
Định luật nguyên nhân và kết quả (The Law of Cause and Effect)
Giá cổ phiếu tăng khi có một nguyên nhân nào đó thúc đẩy. Nguyên nhân có tác động ít thì giá chỉ tăng trong phiên hoặc kéo dài khoảng 2 – 3 phiên. Nguyên nhân có tác động lớn hơn có thể làm giá tăng trong một vài tuần. Để hình thành pha (market phase) tăng giá thì nguyên nhân phải đủ lớn. Nguyên nhân càng lớn thì hiệu ứng từ nó lại càng lớn.
Nguyên nhân trong bài viết hướng tới là quá trình tích lũy của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn.
Định luật về nỗ lực và thành công (The Law of Effort and Results)
Nếu không có nỗ lực thì sẽ không có gì cả, nhưng đôi khi nỗ lực cũng chưa hẳn đã mang lại kết quả như mong muốn. Chẳng hạn như trong ví dụ sau:
Ngày 1: Cổ phiếu A giao dịch 100,000 đơn vị, giá tăng 3 điểm.
Ngày 2: Cổ phiếu A giao dịch 200,000 đơn vị, giá tăng 2 điểm.
Ngày 3: Cổ phiếu A giao dịch 500,000 đơn vị, giá không tăng điểm nào.
Khái niệm tích lũy: Các nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư tổ chức thì rất khó có thể mua vào và bán ra ngay trong một thời gian ngắn, vì họ thường mua bán một lượng cổ phiếu rất lớn. Hành động này có thể làm cho giá cổ phiếu tăng quá mạnh khi họ mua một lượng cổ phiếu lớn tại cùng một thời điểm. Vì vậy, khi các nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư lớn muốn mua một lượng lớn cổ phiếu, họ thường mua trong một quãng thời gian để tránh làm giá cổ phiếu tăng. Giai đoạn này gọi là giai đoạn tích lũy.
Một số tín hiệu có thể xuất hiện trong giai đoạn tích lũy
Bán hoảng loạn (Selling climax): Sau một quá trình giảm giá dài, giá đột nhiên có phiên giảm điểm mạnh với khối lượng tăng đột biến. Tín hiệu này gọi là sự bán ra trong hoảng loạn.
Kiểm định lượng cung (Secondary Test): Là tín hiệu xuất hiện sau khi có sự bán ra hoảng loạn nhằm kiểm định lượng cung. Đây là tín hiệu xác nhận một tín hiệu bán hoảng loạn và cấu thành nhóm tín hiệu xác định giá cổ phiếu đã ngừng giảm
Kháng cự động (Creek): Trong quá trình tích lũy, thông thường lượng cung không chỉ xuất hiện ở kênh trên của kênh tích lũy mà có thể xuất hiện ở giữa kênh tích lũy hoặc thậm chí xuất hiện ở gần kênh dưới của kênh tích lũy. Đường nối các điểm mà lượng cung xuất hiện làm đảo chiều ngắn hạn trong kênh tích lũy gọi là kháng cự động và nó có hình dạng mềm mại như dòng suối (creek).
Tăng vượt (Jump across the creek): Sau khi tích lũy được một số lượng lớn cổ phiếu thì lúc này lượng hàng trôi nổi đã không còn nhiều. Để mua đủ được số lượng cần thiết thì họ tăng mức giá mua và hấp thụ hết lượng cung bán ra. Đây là tín hiệu tăng vượt qua vùng kháng cự và là dấu hiệu cho thấy giai đoạn tích lũy có thể sắp kết thúc.
Điểm phân phối cuối cùng (Last point of support): Sau những phiên tăng giá mạnh vượt qua vùng kháng cự thì thông thường sẽ xuất hiện sự điều chỉnh. Nếu lượng cung không xuất hiện đáng kể trong những phiên điều chỉnh này thì đây được xem là những lượng cung cuối cùng từ đám đông bán ra và giai đoạn tích lũy kết thúc.
Hãy cùng xem xét ví dụ dưới đây.
Sau khi tạo đỉnh trung hạn cùng thị trường từ cuối tháng 03/2014 thì ITA đã có giai đoạn giảm điểm liên tục tạo ra đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy sau thấp hơn đáy trước. Mức độ giảm điểm tăng dần, đến ngày 12/05 và 13/05/2014 thì ITA đã giảm sàn. Đây là có thể được xem là một tín hiệu bán hoảng loạn tiềm năng. Trong phiên giao dịch ngày 15/05/2014, ITA đã có phiên kiểm định lượng cung trong phiên thành công và hình thành nhóm tín hiệu xác nhận dừng lại xu hướng giảm. Sau tín hiệu ngừng giảm thì ITA tiếp tục tăng giá và hình thành kênh giao dịch đi ngang với biên độ khá hẹp.
Ngày 22/08/2014, ITA tăng điểm mạnh với biên độ giao dịch lớn và khối lượng giao dịch lớn hấp thụ tất cả lượng cung bán ra và bứt phá lên một mặt bằng mới. Đây được xem là tín hiệu tăng vượt tiềm năng và dấu hiệu cho thấy giai đoạn tích lũy có thể chuẩn bị kết thúc.
Ngày 26/08/2014, ITA giảm điểm trở lại nhưng mức giảm nhẹ với khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh cho thấy lượng cung trôi nổi cạn kiệt. Đây là tín hiệu cho thấy cổ phiếu ITA đã kết thúc giai đoạn tích lũy và chuyển sang giai đoạn tăng giá.
Nếu sử dụng phương pháp Point & Figure để xác định mức giá mục tiêu thì chúng ta sẽ có mức giá mục tiêu ngắn hạn cho ITA là 9.4 và mức giá trung hạn cho ITA là 13-13.5.
Lê Thanh Hòa

HNX-Index dưới góc nhìn lý thuyết sóng Elliott

Quan sát quá khứ thì chỉ số HNX-Index cho thấy những tín hiệu sóng đẹp hơn, chính xác hơn và ít có tín hiệu nhiễu hơn. Vì vậy, nghiên cứu kỹ các tín hiệu của HNX-Index sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn sát thực tế hơn về thị trường.

Mô hình sóng quá khứ của HNX-Index
Thông thường nhà đầu tư quan sát chỉ số VN-Index như là một chỉ số đại diện cho thị trường. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư theo dõi tương quan giữa chỉ số VN-Index và HNX-Index với các mã chứng khoán trên cả hai sàn thì đa số đồ thị của cổ phiếu có nét tương đồng với HNX-Index cao hơn so với VN-Index.
Quan sát quá khứ thì chỉ số HNX-Index cũng đã cho thấy những tín hiệu sóng đẹp hơn, chính xác hơn và ít có tín hiệu nhiễu hơn.
Trong năm 2007, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều kết thúc một chu kỳ tăng giá rất mạnh. VN-Index sau khi tăng từ đáy năm 2009 thì vẫn giữ ở mức cao so với mức đáy này cho đến hiện tại, nhờ sự hỗ trợ của các mã cổ phiếu vốn hóa hàng đầu thị trường liên tục tăng trưởng từ đáy năm 2009 như VNM, MSN, GAS
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index cùng với lượng lớn cổ phiếu trên cả hai sàn tiếp tục giảm điểm và lập đáy mới. Chỉ số HNX-Index hoàn thành mô hình sóng giảm A-B-C vào cuối năm 2012 với tỷ lệ Fibonacci rất cân xứng.
Bảng tỷ lệ sóng:
Đối với các sóng dài thì chúng ta không chỉ sử dụng cách đo Fibonacci theo cách thông thường mà phải kết hợp với cách đo Fibonacci theo tỷ lệ phần trăm.
Sóng điều chỉnh A có tỷ lệ giảm là 83.12% gần tương đương với tỷ lệ 77.39% của sóng C tương ứng với nguyên lý sóng A tương đương sóng C trong sóng điều chỉnh Zigzag A-B-C.
Trong sóng A: Sóng I giảm 56.27%, sóng III giảm 73.52%, sóng V giảm 61.79%. Như vậy, sóng III tương đương với 1.59 lần sóng I, gần tương ứng với tỷ lệ Fibonacci 161.8%. Sóng V tương đương với 1.33% sóng I gần tương ứng với tỷ lệ Fibonacci 127.2%.
Trong sóng B: Sóng I giảm 40.09%, sóng III giảm 71.09%, sóng V giảm 41.10%. Như vậy, sóng III tương đương với 1.77 lần sóng I, gần tương ứng với tỷ lệ Fibonacci 161.8%. Sóng III là sóng mở rộng và sóng V và sóng I có tỷ lệ giảm tương đương nhau tuân theo hướng dẫn wave equality(*) của lý thuyết sóng Elliott.
Với mô hình sóng cũng như tỷ lệ Fibonacci rất đẹp thì chúng ta có thể đưa đến kết luận khả năng cao chỉ số HNX-Index đã hoàn thành mô hình sóng giảm A-B-C của chu kỳ suy thoái ở đáy tháng 11/2012 và bước sang chu kỳ tăng trưởng.
Dự đoán tương lai của HNX-Index dựa trên lý thuyết sóng Elliott
Áp dụng lý thuyết sóng thì chỉ số HNX-Index đang có kịch bản chính là đang trong quá trình hoàn thành sóng 5 của sóng I lớn.
 
Để thuận tiện cho việc xem xét tỷ lệ giữa các sóng, giả định đỉnh sóng 5 đang ở khu vực hiện tại và tạm thời lấy mức cao nhất là 91.4. Với giả định này thì chúng ta có bảng tỷ lệ như sau:
Sóng 1 tăng 33.41%, sóng 3 tăng 59.27% và sóng 5 tăng 32.96%. Như vậy, sóng 3 tăng tương đương 1.77 lần sóng 1 (59.27/33.41 = 1.77). Mức tăng này lớn hơn mức 161.8% nên sóng 3 được xem là sóng mở rộng. Lý thuyết sóng Elliott cho rằng, sau một sóng ba mở rộng thì thường xuất hiện Truncated Fifth (sóng 5 không tăng cao hơn sóng 3). Ở đây chúng ra lại tiếp tục thấy sóng 3 là sóng mở rộng và theo hướng dẫn wave equality(*). Với mức điểm như hiện tại thì HNX-Index đang có sóng 1 tương đương sóng 5. Đây là dấu hiệu cảnh bảo rủi ro về khả năng chỉ số HNX-Index hoàn thành sóng 5 của sóng I lớn và có thể điều chỉnh sâu trở lại nên sự thận trọng cần phải được đề cao trong giai đoạn hiện nay.
(*) Hướng dẫn wave equality cho rằng nếu một trong ba sóng đẩy (impulse wave) là sóng mở rộng thì hai sóng đẩy (impulse wave) còn lại có xu hướng tương đương nhau.
Lê Thanh Hòa